(Xây dựng) - Ngày 16/10/2018, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 2151/QĐ-UBND do bà Hà Thị Minh Hạnh - Phó chủ tịch UBND tỉnh ký phê duyệt giá khởi điểm đối với tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất Sân vận động C10, TP Hà Giang. Định giá bước đầu là 89,9 tỷ đồng (gọi tròn số), giao Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang phối hợp với với Trung tâm đấu giá tài sản tổ chức đấu thầu công khai, rộng rãi. Tuy nhiên, đến ngày bỏ thầu, Trung tâm đấu giá và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang bất ngờ bội tín, gây bức xúc cho các nhà đầu tư, bởi tiền đặt cọc hàng chục tỷ đồng của mỗi nhà đầu tư đều phải vội vàng huy động nộp cho đủ. Đến lúc vào việc lại tráo trở…
Sân vận động Hà Giang (C10).
Quá thất vọng trước cách làm của Hà Giang
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, một lãnh đạo của Cty CP Đông Dương bức xúc cho biết: Chúng tôi là những nhà đầu tư thực sự, lên Hà Giang đầu tư bằng tiền vốn của chúng tôi. Tài sản đấu giá công khai. Để có ngay hàng chục tỷ đồng “đặt cọc” trước khi đấu giá, chúng tôi đã phải huy động, rút chỗ nọ, chỗ kia để nộp cho Trung tâm đấu giá. Trong đấu thầu công khai, ai bỏ cao sẽ trúng. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ góp phần làm giàu, làm đẹp thêm cho “bộ mặt” tỉnh Hà Giang. Nhưng chính họ, những người làm ở đó đã tự bôi xấu hình ảnh của mình. Nếu trước ngày đấu giá 1 tuần, họ thông báo hủy đã đành.
Đằng này, đến tận buổi sáng ngày 4/12/2018, các nhà đầu tư mới nhận được thông báo ký ngày 3/12/2018 của Trung tâm đấu giá tài sản Hà Giang, tức là chỉ trước lúc đấu giá vài tiếng đồng hồ. Đây là cách làm không chuyên nghiệp và gây ức chế cho các nhà đầu tư. Hiện tại, phía Cty Đông Dương đã gửi đơn kiến nghị lên các cấp Trung ương để mong sớm vào cuộc, làm rõ những khuất tất nơi đây.
Cùng chung tâm trạng, một doanh nghiệp khác của Hà Nội cũng bức xúc cho biết: Để chuẩn bị cho ngày đấu giá, phía doanh nghiệp này đã phải hủy hàng loạt các buổi làm việc với các đối tác khác để đi 1 ngày ròng rã lên Hà Giang, nhưng đến nơi, lại nhận được thông báo hủy thầu. Vừa mất công, mất việc, hao tiền tốn của, nhưng cái tổn thương nhất là niềm tin, giá trị…
Trụ sở Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang.
Qua điều tra, phóng viên được biết: Ngay từ ngày 19/9/2016, Tỉnh ủy Hà Giang do ông Triệu Tài Vinh làm Bí thư đã có Kết luận số 77-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án tổ hợp Trung tâm thương mại và sân vận động mới của tỉnh.
Sau đó, “im ắng” một thời gian, đến tháng 4/2018, UBND tỉnh Hà Giang lại tiếp tục triển khai việc tổ chức chuyển nhượng khu đất này. Sau đó, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang ký hợp đồng thẩm định giá với Cty CP thẩm định giá BTCVALUE để thẩm định giá trị quyền sử dụng đất… cho đến ngày UBND tỉnh Hà Giang ban hành quyết định giá khởi điểm của khu đất.
Tuy nhiên, đến ngày bỏ thầu thì bất ngờ Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang đã “lật kèo”, hủy thầu với Trung tâm đấu giá tài sản (Sở Tư pháp) khiến cho Trung tâm này “dở khóc, dở cười” với các nhà đấu giá cùng nỗi lo đền bù và trách nhiệm của việc bỏ lửng này.
Việc hủy thầu trái luật?
Trước những “bẽ bàng” và bức xúc của các nhà đầu tư vào tỉnh Hà Giang bị xâm hại quyền lợi cũng như trách nhiệm, phóng viên đã đến Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang để làm việc.
Bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang.
Tiếp phóng viên, bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở cho biết: Hôm đó, sau khi các nhà đấu giá bị hủy, họ có kéo cả sang bên Sở kiến nghị, tôi là người tiếp họ buổi hôm đó. Bà Tình cũng cho hay, vì là cấp phó nên bà chỉ biết làm theo lệnh của cấp trên. Còn việc đấu giá có tiếp tục hay không, ai chỉ đạo việc dừng lại buổi đấu giá này thì bà cũng không nắm rõ. Còn trách nhiệm cụ thể như thế nào thì mời phóng viên cứ liên hệ với ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở.
Sau đó, phóng viên liên tục liên hệ đến ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở thì ông này lấy lý do đang đi Hà Nội họp, không trả lời được. Rồi ông này lại “xui” phóng viên sang Trung tâm đấu giá mà hỏi.
Trụ sở Trung tâm đấu giá Hà Giang (Sở Tư Pháp).
Sang Trung tâm đấu giá tài sản (Sở Tư pháp Hà Giang), tiếp phóng viên, ông Trần Quốc Huy - Giám đốc trung tâm cho biết: Đơn vị mình chỉ là nơi “làm thuê” cho Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch. Khi tiến hành công khai việc đấu giá tài sản này, đã có 8 tổ chức, cá nhân tham gia, đủ tiêu chí như đóng đầy đủ gần 10 tỷ đồng tiền đặt cọc vào đây. Điều đó, chứng tỏ họ là những nhà đầu tư có tiền thực sự. Nhưng đến sát buổi đấu giá thì lại bị hủy vì lý do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch yêu cầu hủy hợp đồng với đơn vị nên Trung tâm đấu giá không biết làm thế nào khác được, đành phải hủy ước với các nhà đầu tư.
Khi được hỏi, nếu phải đền bù thiệt hại cho các nhà đầu tư, ông Huy cho biết: Trách nhiệm bồi hoàn sẽ thuộc về Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, họ phải đền bù chứ không phải bên Trung tâm đấu giá đền.
Ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm đấu giá.
Tiếp tục điều tra, phóng viên được biết: Thời gian qua, không chỉ có bất thường và tai tiếng trong việc hủy hợp đồng với các nhà đầu tư, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang còn khá nhiều vấn đề khuất tất trong hàng loạt các dự án khác.
Điển hình có thể kể đến Dự án sửa chữa, nâng cấp nhà tường trình (nhà tường đất) tại khu thị trấn cao nguyên Đồng Văn. Nhiều ngôi nhà chỉ làm tường bằng đất thôi, cũng tiêu tốn hàng tỷ đồng, rồi hàng loạt các vấn đề khác…
Trao đổi với phóng viên, luật sư Ngụy Thành Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội) phân tích: Việc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang thực hiện nhiệm vụ đấu giá đất là theo quyết định của UBND tỉnh Hà Giang. Nếu muốn hủy buổi đấu giá này, thì UBND tỉnh Hà Giang phải có quyết định hủy mới là đúng luật. Còn việc Sở Văn hóa tự ý làm mà không có quyết định hủy của Chủ tịch UBND tỉnh là việc làm trái luật. Chưa kể, hàng loạt các vấn đề khác như bồi hoàn cho nhà đầu tư, uy tín, danh dự, trách nhiệm… ai phải chịu trước những thất tín này, luật sư Thắng chia sẻ.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Theo Đức Hải – Đà Giang/Baoxaydung.com