(Xây dựng) – Phúc đáp văn bản số 46/TTCP-C.IV ngày 06/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về việc cung cấp thông tin, báo cáo về nội dung thanh tra liên quan đến việc Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, Bộ Xây dựng báo cáo một số nội dung như sau:
Về căn cứ pháp lý và trình tự thủ tục tổ chức lập quy hoạch
Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa 12 về việc giao Chính phủ tổ chức, chỉ đạo nghiên cứu lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 và Chỉ thị số 260/CT-TTg ngày 4/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì phối hợp với UBND TP Hà Nội tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Bộ Xây dựng đã triển khai công tác lập quy hoạch theo đúng nội dung nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1878/QĐ-TTg ngày 22/12/2008 và các quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng và Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 7/4/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn, lập thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng đã nhiều lần tổ chức báo cáo xin ý kiến Thường trực Chính phủ: Lần 1 ngày 24/4/2009; lần 2 ngày 21/8/2009; lần 3 ngày 26/11/2009 và lần thứ 4 ngày 22/01/2010, đã nhận được các ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các Thông báo số 144/TB-VPCP ngày 4/5/2009, số 279/TB-VPCP ngày 8/9/2009, số 348/TB-VPCP ngày 9/12/2009 và số 29/TB-VPCP ngày 01/02/2010 của Văn phòng Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong tháng 3 và tháng 4/2010, Bộ Xây dựng đã yêu cầu đơn vị Tư vấn báo cáo xin ý kiến và nhận được ý kiến thống nhất của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội. Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo, lấy ý kiến của Bộ, ban, ngành Trung ương, các Hội nghề nghiệp, Tư vấn quốc tế phản biện đồng thời tổ chức xin ý kiến của nhân dân cả nước thông qua việc triển lãm xin ý kiến của nhân dân tại Hà Nội tháng 4/2010, và TP Hồ Chí Minh tháng 6/2010.
Ngày 15/10/2009, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội tại Quyết định số 1623/QĐ-TTg. Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước là đồng chí Nguyễn Hồng Quân – Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã tiến hành các phiên họp (ngày 6/02/2010, ngày 26/02/2010 và ngày 7/9/2010). Trên cơ sở các ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước, ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, các tổ chức liên quan và Tư vấn phản biện quốc tế. Đồ án đã được nghiên cứu tiếp và hoàn chỉnh tuân thủ nhiệm vụ quy hoạch và đáp ứng với kết luận của Chủ tịch Hội đồng thẩm định.
Để xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị phát triển bền vững có tính cạnh tranh cao trong xu thế toàn cầu hóa nâng cao vai trò vị thế của Hà Nội, do tính chất quan trọng của đồ án, thừa ủy quyền của Chính phủ, ngày 02/6/2010, Bộ Xây dựng đã báo cáo toàn bộ nội dung đồ án Quy hoạch chung trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII. Ngày 15/10/2010, Ban cán sự Đảng bộ Bộ Xây dựng đã có Tờ trình số 72-TTr/BCSĐ ngày 15/10/2010 trình Bộ Chính trị về Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1259/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Đánh giá chung: Đồ án đã được lập, thẩm định, phê duyệt theo đúng các quy định hiện hành, đảm bảo thời gian. Theo quy định tại Điều 13 Chương II Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 quy định về thời gian lập quy hoạch chung đô thị không quá 18 tháng (không kể thời gian thẩm định và phê duyệt). Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội được lập từ 26/12/2008 đến tháng 6/2010 (thời điểm đồ án đủ điều kiện tổ chức Hội đồng thẩm định Nhà nước) là 18 tháng. Như vậy thời gian thực hiện lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là phù hợp với yêu cầu của Luật.
Về việc triển khai các quy hoạch phân khu và điều chỉnh quy hoạch chi tiết
Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND TP Hà Nội đã triển khai 35 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị, đến nay đã tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt 26 đồ án trong đó có 9 đồ án gồm QHPK trên địa bàn 4 quận nội thành (H1-1 A, B, C và H1-2, H1-3 và H1-4) và 3 QHPK hai bên bờ sông Hồng và nêm xanh sông Đuống (GN, R1-5 và R6) đã tổ chức nghiên cứu, thẩm định nhưng chưa được phê duyệt. Bộ Xây dựng với chức năng quản lý ngành đã có nhiều văn bản góp ý chuyên môn cụ thể để UBND TP Hà Nội tiếp thu, hoàn thiện nội dung trước khi phê duyệt theo thẩm quyền.
Đối với QHPK S2 trên địa bàn huyện Hoài Đức, Bộ Xây dựng đã có văn bản tham gia góp ý các QHPK S1, S2 và S3 tại Văn bản số 1288/BXD-KTQH ngày 28/6/2013, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu và tổ chức thẩm định và phê duyệt đồ án theo thẩm quyền.
Tuyết Hạnh/Baoxaydung.com.vn