Vào khoảng 3h sáng ngày 25/9, tại dự án trường Mầm non Vườn Xanh tại Khu đô thị Mỹ Đình – Mễ Trì (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bị đổ sập. Công trình bị đổ sập trong đêm này do Cty TNHH Thương mại và kỹ thuật Trần Vũ thi công, Chủ đầu tư là trường Mầm non Vườn Xanh.
Hiện trường sập đổ ngổn ngang tại công trình trường Mầm non Vườn Xanh.
Sau khi xảy ra sự cố, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) tham gia vào cuộc cùng các đơn vị chức năng của quận Nam Từ Liêm và TP Hà Nội đánh giá nguyên nhân.
Còn theo báo cáo nhanh của đội Thanh tra Xây dựng quận Nam Từ Liêm, nguyên nhân đổ sập của của trường Mầm non Vườn Xanh là do chất tải đổ sàn tầng 3 tác động vào kết cấu giàn giáo không đủ khả năng chịu lực, dẫn đến sàn tầng 2 và sàn tầng 3 bị sụp đổ và không gây thương vong về người. Trước đó, Đội Thanh tra Xây dựng quận Nam Từ Liêm phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hiện trạng công trình xây dựng này.
Công trình bị đổ sập tầng 1, tầng 2 diện tích 498m² (bộ phận đang thi công). Công trình này thi công theo giấy phép số GPXD số 66/GPXD ngày 22/6/2017 do Sở Xây dựng Hà Nội cấp và báo cáo khởi công ngày 8/8/2017, đã được UBND phường Mỹ Đình 1 xác nhận.
Tại thời điểm kiểm tra ngày 22/8, chủ đầu tư đang thi công xong móng, vách phần ngầm, đang ghép cốt pha tầng 1, chưa đổ mái. Diện tích mặt bằng móng phù hợp với bản vẽ thiết kế (tuy nhiên chủ đầu tư đã bổ sung thêm 1 cột từ tầng hầm lên tầng 1 tại vị trí X6, Y10). Chiều cao tầng hầm và tầng 1 đã thi công phù hợp với bản vẽ thiết kế, cơ quan chức năng cũng đã yêu cầu chủ đầu tư bổ sung biển báo an toàn, màn che chắn công trường.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn chuyên gia kết cấu, TS. Mỵ Duy Thành - Khoa Công trình, Trường ĐH Thủy lợi nhận định: Bằng phương pháp trực quan hiện trường, có thể thấy chất lượng liên kết giữa dầm sàn vào một số cột không tốt bởi vì đầu dầm đã bung ra ngoài liên kết khi bị phá hoại.
Cận cảnh một cột gãy thể hiện liên kết neo (chiều dài, cấu tạo neo) của các thanh cốt thép vào cột hầu như không có tác dụng.
Tại một cột bị gãy, 4 thanh thép đầu dầm còn như nguyên vẹn (các thanh thép không còn liên kết với cột, trong đó có 2 thanh phía trên chịu kéo và 2 thanh thép phía dưới chịu nén khi làm việc). Điều này thể hiện liên kết neo (chiều dài, cấu tạo neo) của các thanh cốt thép này vào cột hầu như không có tác dụng. Trong khi đó, vẫn có thể nhìn thấy liên kết neo của một số thanh cốt thép khác của dầm vẫn còn tác dụng và còn treo dầm vào cột.
Như vậy, bằng phương pháp trực quan có thể thấy liên kết giữa dầm và cột có chất lượng không tốt phần lớn là do chiều dài neo của một số thanh cốt thép dầm vào cột không đảm bảo (có thể tham khảo tính toán chiều dài neo theo quy định tại Điều 8.5.2 tiêu chuẩn TCVN 5574:2012). Để xác định lỗi này do thiết kế hay thi công thì cần phải kiểm tra thêm hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công.
TS. Thành cho biết thêm, một nguyên nhân rất lớn, khởi nguồn gây ra sự cố có thể là do Nhà thầu thi công không tuân thủ quy định tại điều 3.6.5 của TCVN 4453:1995 (kết cấu bê tông cốt thép, Quy phạm thi công và nghiệm thu) về việc phải giữ lại toàn bộ đà giáo, cột chống ở tấm sàn nằm dưới tấm sàn sắp đổ bê tông. Hình ảnh hiện trường cho thấy không có bất kỳ cột chống, đà giáo chống đỡ sàn tầng 2 khi đổ bê tông sàn tầng 3.
Theo Ngọc Hà (baoxaydung.com.vn)