(Xây dựng) - Hiện nay, việc thi công xây dựng công trình luôn là hoạt động có nguy cơ cao về mất an toàn lao động (ATLĐ). Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, phối hợp với Bộ, ngành liên quan trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý ATLĐ trong thi công xây dựng công trình, trong đó có Chỉ thị số 02/CT-BXD về việc đổi mới, tăng cường công tác đảm bảo ATLĐ trong thi công xây dựng công trình.
Thực hiện nghiêm các quy định về ATLĐ
Để tăng cường công tác an toàn lao động nhằm hạn chế tối đa sự cố gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu các cơ quan chuyên môn về xây dựng, các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng công trình và các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động thi công xây dựng thực hiện nghiêm các quy định. Cụ thể, đối với các nhà thầu thi công xây dựng, tổ chức thực hiện việc kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng công trình. Chỉ đưa các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động vào sử dụng tại công trường sau khi đã được kiểm định đảm bảo an toàn. Hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường; yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động đối với người lao động; quản lý số lượng người lao động làm việc trên công trường…
Chỉ thị số 02/CT-BXD là cơ sở để các địa phương ban hành các văn bản về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. (Ảnh Internet)
Đối với chủ đầu tư, thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình quy định. Trong đó, chú trọng kiểm tra, chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động của các nhà thầu thi công xây dựng công trình; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tổng hợp này. Thường xuyên đôn đốc việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định và kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp này khi cần thiết. Tổ chức phối hợp giữa các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng công trình để thực hiện quản lý an toàn lao động và giải quyết các vấn đề phát sinh về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình. Yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng tổ chức thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng công trình đúng quy định của pháp luật. Rà soát công tác tổ chức thi công, kịp thời chấn chỉnh và chỉ đạo các nhà thầu (tư vấn giám sát, thiết kế, thi công xây dựng) thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình quy định tại Thông tư 04/2017/TT-BXD.
Các địa phương tăng cường đảm bảo ATLĐ
Nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, các địa phương trong cả nước cũng đã ban hành văn bản thực hiện Chỉ thị của Bộ Xây dựng trong việc đổi mới, tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
Theo đó, UBND TP Hà Nội ban hành Công văn số 6481/VP-ĐT đề nghị Sở, Ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện Chỉ thị của Bộ Xây dựng. UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu hướng dẫn các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, các nhà thầu thi công xây dựng, các chủ đầu tư dự án và các tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn tổ chức thực hiện theo quy định; tham mưu đề xuất phân công, phân cấp thực hiện trách nhiệm quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, báo cáo UBND TP.
Ngày 6/7/2017, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Công văn số 4873/UBND-XD4 về việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Xây dựng. Trong công văn, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các Sở, Ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị được giao làm chủ đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ như: Các nhà thầu thi công xây dựng chỉ đưa các máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động vào sử dụng tại công trường sau khi đã được kiểm định đảm bảo an toàn; hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường; yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động đối với người lao động.
UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu chủ đầu tư thường xuyên đôn đốc việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định; yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình tổ chức thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn đối với máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng công trình đúng quy định của pháp luật; rà soát công tác tổ chức thi công, kịp thời chấn chỉnh và chỉ đạo các nhà thầu (tư vấn giám sát, thiết kế, thi công xây dựng) thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
Theo Hồng Quang - baoxaydung.com.vn