www.xaydungmk.com | Hotline: 024.632.88885 - 0259 650 9999 - Hotline: 0908 85 67 67 | Email: contact@xaydungmk.com
Đăng lúc 22-04-2020
Là doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đại diện Tập đoàn Vingroup cho hay, dịch Covid-19 đang biến biến phức tạp là nguyên nhân khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy dẫn đến thiếu linh kiện để sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy...
Cần gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất dài hơi để “cứu” doanh nghiệp
Về du lịch, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng việc làm của hơn 18.000 cán bộ nhân viên tại các khu nghỉ dưỡng nhưng vẫn phải duy trì lương cho số lượng người này. Tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản, giáo dục của Tập đoàn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để vượt qua khó khăn, Tập đoàn Vingroup đề xuất kéo dài thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất 1 năm thay cho 5 tháng để vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, xin miễn tiền thuê đất năm 2019 các cơ sở kinh doanh lưu trú. Tại Hà Nội, Tập đoàn xin hỗ trợ các thủ tục hành chính như sớm cho phép các doanh nghiệp điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; sớm phê duyệt các danh mục sử dụng đất...
Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC cho hay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng ảnh hưởng Covid-19 đang kéo dài, thời hạn gia hạn thuế chỉ 5 - 6 tháng chưa đủ để phục hồi nền kinh tế và doanh nghiệp. Đại diện FLC đề xuất kéo dài thời gian gia hạn và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.
Cho rằng Bộ Tài chính cho doanh nghiệp chậm nộp thuế 5 tháng là “rất quý”, nhưng Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga bày tỏ quan điểm nếu tăng thêm thời gian giãn thuế sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, Chủ tịch BRG đề xuất tăng thời gian chậm nộp thuế lên 9 tháng hoặc 1 năm, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, gia hạn việc nộp các khoản thuế khác từ tháng 2 đến tháng 6. Về thời gian gia hạn nộp tiền thuê đất, đại diện BRG cũng kiến nghị tăng từ 5 tháng lên 12 tháng để giúp doanh nghiệp có thời gian phục hồi.
Trong lĩnh vực bất động sản, Chủ tịch BRG cũng đề xuất nhanh chóng cho phép mở cửa lại các khách sạn, sân golf nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch bằng việc giữ khoảng cách, sát khuẩn, đeo khẩu trang…
Về phía bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH mong muốn Thành phố Hà Nội hỗ trợ bàn giao diện tích đã giải phóng để doanh nghiệp có thể triển khai khởi công trong tháng 9.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất nhằm “giải cứu” các doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn bởi dịch Covid-19.
Công văn đề xuất “giải cứu” doanh nghiệp bất động sản của VNREA tập trung vào việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch; xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế của các sắc thuế nêu trên cho các doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ kéo dài.
Giải pháp gia hạn này không ảnh hưởng tới số thu ngân sách của năm 2020 dù tổng số tiền thuế, tiền thuê đất chậm nộp là khoảng hơn 30.000 tỷ đồng.
PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc gia hạn này không ảnh hưởng quá lớn đến ngân sách nhà nước nhưng có tác động tương đối tốt cho các doanh nghiệp. Theo đó, thay vì phải nộp tiền thuế và tiền thuê đất, doanh nghiệp có thể dùng tiền đó để phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Như vậy, doanh nghiệp giảm được số tiền phải vay của ngân hàng để kinh doanh lại không phải trả tiền chậm nộp.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, ngoài gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, Chính phủ nên có gói cứu trợ "bơm" tiền trực tiếp cho doanh nghiệp để hỗ trợ thanh khoản, trả lương nhân viên, thanh toán tiền thuế, tiền lãi ngân hàng, cầm cự trong thời kỳ đại dịch Covid-19.
“Một cách bơm tiền trực tiếp khác, đó là thông qua cơ chế quỹ bảo lãnh tín dụng. Các doanh nghiệp khó khăn có thể nhận tiền từ quỹ bảo lãnh tín dụng này”, ông Hiếu đề xuất.
( Theo Phương Uyên - Enternews.vn)