Là văn bản quan trọng chứng minh việc được cấp phép xây mới, sửa chữa, cải tạo di dời công trình tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng, hiểu rõ giấy phép xây dựng là gì? Khi nào bắt buộc và không bắt buộc phải xin giấy phép xây dựng nhà ở? Trường hợp thuộc đối tượng bắt buộc phải xin giấy phép nhưng không thực hiện thì bị xử phạt thế nào?
Với bài viết dưới đây, Batdongsan.com.vn sẽ giúp bạn đọc giải đáp những thắc mắc trên:
1. Giấy phép xây dựng là gì?
Đúng như tên gọi, đây là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình.
Các trường hợp không phải xin giấy phép xây dựng
Căn cứ Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, có 9 trường hợp xây dựng công trình mà không bắt buộc phải xin giấy phép xây dựng, ví dụ như: Công trình bí mật Nhà nước, công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; công trình được xây dựng ở nông thôn mà chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt...
Quy định xử phạt khi không có giấy phép xây dựng
Ngoại trừ những trường hợp công trình được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật, chủ những trường hợp còn lại đều phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp công trình nhà ở riêng lẻ thuộc diện phải xin giấy phép xây dựng nhưng không thực hiện, cố tình thi công thì chủ công trình sẽ bị lập biên bản, xử phạt hành chính và yêu cầu dừng ngay hành vi vi phạm.
Trường hợp đã thi công xong thì bị buộc tháo dỡ theo Khoản 11, Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP. Cá nhân/hộ gia đình khi bị lập văn bản xử phạt có thể làm thủ tục đề nghị điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, nếu sau thời hạn 60 ngày mà không xuất trình được giấy tờ này thì công trình vẫn sẽ bị buộc tháo dỡ.
2. Điều kiện được cấp giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ
3. Thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ xin giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ bao gồm các loại giấy tờ chính như sau:
- Đơn xin đề nghị cấp giấy phép xây dựng
- Bản vẽ thiết kế xây dựng
- Bản sao một trong các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo Điều 100 Luật Đất đai 2013, ví dụ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất...
- Cam kết đảm bảo an toàn đối với công trình liền kề (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Sau khi chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ với các giấy tờ nêu trên, cá nhân/hộ gia đình đem nộp tại UBND cấp huyện nơi có thẩm quyền cấp phép đối với các công trình nhà ở riêng lẻ được xây dựng tại địa phương mà họ trực tiếp quản lý.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ
Nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp nhận và giải quyết, ngược lại nếu chưa đầy đủ sẽ thông báo cụ thể cho người dân biết để kịp thời sửa đổi, bổ sung. Thời hạn để xin giấy phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ là 15 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.
Thủ tục xin cấp phép xây dựng cho công trình được thực hiện qua 3 bước. Ảnh minh họa: Internet
4. Nhà đang xây mà giấy phép xây dựng hết hiệu lực thì có phải gia hạn không?
Nhiều trường hợp chủ công trình đã xin giấy phép xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ với thời hạn 1 năm, nhưng do gặp khó khăn về tài chính hoặc lý do nào đó mà việc xây dựng bị trì hoãn. Khi có điều kiện tiếp tục xây sửa thì giấy phép lúc này đã sắp hết hạn, vậy có cần xin gia hạn hay không? Về vấn đề này, Khoản 3 Điều 99 Luật Xây dựng năm 2014 quy định cụ thể như sau: Đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ được cấp phép xây dựng có thời hạn (ghi cụ thể trên giấy phép) nhưng việc xây dựng chưa được thực hiện theo quy hoạch thì chủ sở hữu cần phải đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét gia hạn thời gian tồn tại của công trình cho đến khi quy hoạch được triển khai thực hiện. Điều đó có nghĩa, khi giấy phép xây dựng hết hạn mà công trình chưa thực hiện thì chủ sở hữu công trình đó phải làm thủ tục đề nghị cơ quan cấp giấy phép xây dựng xem xét việc gia hạn.
Thủ tục gia hạn giấy phép xây dựng
- Chuẩn bị hồ sơ xin gia hạn giấy phép xây dựng bao gồm: Đơn đề nghị được gia hạn giấy phép xây dựng theo mẫu và bản chính giấy phép xây dựng đã được cấp trước đó.
- Nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi xây dựng công trình. Nếu hồ sơ hợp lệ sẽ được cơ quan này tiếp nhận và giải quyết trong vòng 5 ngày làm việc kể từ này nhận được hồ sơ hợp lệ.
- Chủ công trình nhận kết quả xử lý hồ sơ (giấy phép xây dựng đã được đóng dấu gia hạn của UBND cấp huyện nơi xây dựng công trình đó).
Lưu ý, chủ công trình sẽ phải nộp lệ phí gia hạn giấy phép xây dựng, mức thu sẽ có sự khác biệt tùy vào quy định cụ thể ở từng địa phương.
( Theo Linh Phương / Baoxaydung )