Hà Nội sau 67 năm giải phóng (10.10.1954 - 10.10.2021) đã thay da đổi thịt. Những công trình giao thông có quy mô, hiện đại như cầu Nhật Tân, đường vành đai 3 trên cao, đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội... là biểu tượng của sự tăng trưởng kinh tế và giao thông đô thị Hà Nội.
Nút giao Trung Hoà - Đây là điểm kết nối giữa Đại lộ Thăng Long, đường Trần Duy Hưng, đường Khuất Duy Tiến và đường Phạm Hùng. Hiện nút giao này có 3 tầng xe chạy.
Nút giao Trung Hòa hoàn chỉnh khởi công ngày 18.1.2015 với thời gian thi công 18 tháng. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.087 tỉ đồng.
Đường vành đai 3 trên cao - Công trình này được khởi công từ tháng 6.2012, thiết kế với 4 làn xe chạy tốc độ thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư trên 5.500 tỉ đồng. Khi hoàn thành, con đường này kết nối 3 trục giao thông huyết mạch ở khu vực phía Bắc gồm quốc lộ 1, quốc lộ 5 và đại lộ Thăng Long, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông của thủ đô Hà Nội.
Tháng 10.2020, cầu qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối đường vành đai 3 trên cao hoàn thành với tổng mức đầu tư dự án là hơn 314 tỉ đồng. Đây là công trình góp phần làm tăng tính kết nối giữa đường vành đai 3 dưới đất và phần đường vành đai 3 trên cao.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, gồm 8,5km trên cao và 4km ngầm, đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm. Đến nay tổng mức đầu tư của dự án đã lên đến gần 36.000 tỉ đồng sau hai lần điều chỉnh giá.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn-ga Hà Nội sẽ không đạt được mốc tiến độ khai thác, vận hành vào cuối năm 2021 như kế hoạch đề ra.
Cầu Nhật Tân - đây là cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam hiện tại được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 13.626 tỉ đồng nằm trong tổng số 7 cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội. Cầu Nhật Tân được xây dựng có nhiều ý nghĩa quan trọng trong lưu thông phát triển kinh tế của Thủ đô.
Con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Đây là con đường được xem là đẹp nhất Thủ đô Hà Nội nối từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài. Dự án có tổng mức đầu tư 6.742 tỉ đồng, tổng chiều dài tuyến là 12,1km. Con đường hoàn thành tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội của TP Hà Nội. Công trình có quy mô lớn, hiện đại, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong nước và quốc tế.
Cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỉ đồng. Dự án hoàn thành vào tháng 10.2020 đã góp phần hoàn chỉnh tuyến đường Vành đai 3, tạo thành một mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối các khu vực phụ cận, giao thông nội đô, giao thông liên vùng, đồng thời kết nối các đường giao thông huyết mạch, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội và vùng Thủ đô.
Cầu Đông Trù là một trong những dự án giao thông quan trọng của Hà Nội được khánh thành đúng dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô. Cây cầu nối từ Khu Đô thị Bắc Thăng Long Vân Trì tới Quốc lộ 5 nhằm giảm tải giao thông cho cầu Đuống và một số tuyến đường lân cận.
Cầu Đông Trù gồm 3 nhịp cầu đôi, bề rộng mặt cầu 54m, ứng dụng công nghệ vòm ống thép nhồi bê tông. Công trình có khả năng chịu được động đất cấp 8.
Đường Vành đai 2 trên cao có điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở (phía đường Trường Chinh) với chiều dài gần 5,1km. Đến tháng 11.2020, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở chính thức thông xe. Dự án có phạm vi đi qua 4 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đống Đa với tổng mức đầu tư gần 9.500 tỉ đồng.
Dự án sau khi được hoàn thành sẽ góp phần giảm ùn tắc, áp lực giao thông cho các tuyến đường quanh khu vực. Hiện dự án đã hoàn thiện đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động và đoạn Ngã tư Sở đến Ngã Tư Vọng, chỉ còn lại đoạn Mai Động - Ngã Tư Vọng đang được gấp rút thi công.
Theo Thế Kỷ/Laodong.vn
Link gốc: https://laodong.vn/photo/nhung-cong-trinh-giao-thong-nghin-ti-lam-thay-doi-dien-mao-thu-do-960136.ldo