Thêm một lần nữa vấn đề quy hoạch và chất lượng quy hoạch lại được đưa ra diễn đàn Quốc hội để bàn thảo.
Ảnh minh họa
Có rất nhiều dẫn chứng và bài học đã được các đại biểu Quốc hội chỉ ra trong câu chuyện về quy hoạch. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, đối với quy hoạch của tỉnh phải từ 20 năm trở lên, của vùng phải từ 30 năm trở lên, quốc gia từ 50 năm trở lên. Hàng năm cứ tiếp nhận các ý kiến bổ sung nhưng cứ 5 năm xem xét một lần.
Ông Nguyễn Anh Trí đề nghị cần công khai quy hoạch càng nhiều càng tốt cho nhân dân biết. Khi chúng ta xây dựng quy hoạch cần lấy ý kiến, nhưng khi quy hoạch làm xong cần công khai ở mức nhiều nhất cho nhân dân biết, vì tất cả mọi thắc mắc, ý kiến này nọ là do chúng ta không công khai.
Ông Trí đặc biệt lưu ý đến vấn đề kiến trúc. Theo ông, “kiến trúc cũng cần được quy hoạch, phải chấm dứt cho được kỷ nguyên nhà ống ở Việt Nam chúng ta. Cả kỷ nguyên nhà ống đã kéo dài hơn 3 - 4 thập kỷ nay rồi. Bằng lòng với việc xây nhà chỉ mặt tiền 5m, 4m thậm chí 3m cũng có thể xây được. Nói thật là nhìn những ngôi nhà ống chả khác gì những cỗ quan tài. Cái đó rất cần thiết phải được quy hoạch, để chấm dứt kỷ nguyên nhà ống”.
Thức tế cho thấy, những đánh giá trên là không mới, vốn đã được các nhà quản lý nói khá nhiều. Một trong những yếu kém nổi lên là chất lượng một số dự án quy hoạch chưa cao, chưa có tầm nhìn xa. Không ít dự án quy hoạch tuy đã được xác định, nhưng chưa có đầy đủ các căn cứ kinh tế, xã hội, nhất là phân tích và dự báo về thị trường và năng lực cạnh tranh, nên phải thay đổi nhiều lần như quy hoạch ngành điện, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống cảng biển… Nhiều quy hoạch còn mang tính tình thế, nhu cầu đến đâu phát triển đến đó.
Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình hình này là do liên kết giữa các tỉnh trong vùng chưa cao, quy hoạch vùng vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều điểm chưa hợp lý, cần có những điều chỉnh tránh ảnh hưởng không tốt đến dân sinh, xã hội.
Một điểm khác cũng được nhiều chuyên gia đề cập đến khi đánh giá hiệu quả của các quy hoạch thời gian qua là việc lồng ghép các quy hoạch ngành, xây dựng, sử dụng đất trên vùng lãnh thổ chưa gắn với quy hoạch vùng hoặc quy hoạch từng vùng chưa gắn kết với quy hoạch chung cả nước. Chính vì vậy, quy hoạch phát triển ngành chưa thể hiện cụ thể trên các địa bàn lãnh thổ của các tỉnh, thành phố hoặc một số quy hoạch đã thể hiện trên lãnh thổ, nhưng quy hoạch tỉnh, thành phố chưa căn cứ vào quy hoạch ngành bố trí trên lãnh thổ của mình.
Đặc biệt, đánh giá của Bộ KH&ĐT cũng như của các chuyên gia cũng lưu ý tính cục bộ, xu hướng khép kín trong các quy hoạch (cả quy hoạch lãnh thổ và quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch sản phẩm) đã gây nên sự lãng phí các nguồn lực do sự phát triển chồng chéo, dư thừa công suất… hoặc tạo ra độc quyền trong ngành, sử dụng quy hoạch để cản trở các thành phần kinh tế khác tham gia. Đáng ngại là, nhiều quy hoạch chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung và điều chỉnh kịp thời. Do đó, các chuyên gia cảnh báo, số quy hoạch này sẽ lạc hậu với tình hình thực tiễn, không đáp ứng yêu cầu; không thể là căn cứ để xây dựng kế hoạch.
Theo Ngọc Lý (baoxaydung.com.vn)