(Xây dựng) - Vừa qua, Bộ Xây dựng nhận được Công văn số 5003/BKHĐT-CLPT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị tham gia ý kiến đối với Thông tư hướng dẫn về định mức chi phí cho hoạt động quy hoạch. Bộ Xây dựng đã có Văn bản gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Nội dung cụ thể như sau: Hiện tại, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch là một trong các căn cứ để xây dựng và ban hành Thông tư đang trong giai đoạn nghiên cứu, góp ý để hoàn thiện trình Chính phủ ban hành. Do đó, việc tham gia ý kiến góp ý đối với Dự thảo Thông tư này còn chưa tham chiếu được các quy định cụ thể của Nghị định, một số nội dung chưa đủ cơ sở góp ý như nội dung về quy hoạch, hợp phần quy hoạch.
Định mức chi phí đối với công tác lập quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn đã được quy định tại Thông tư số 01/2013/TT-BXD ngày 08/02/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định, quản lý chi phí quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị.
Cơ quan soạn thảo xem xét, lưu ý quy định về “Lãnh thổ chuẩn cấp vùng” tại khoản 2 Điều 3 phù hợp với kết quả nghiên cứu Báo cáo “Nghiên cứu phân vùng phục vụ quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030” (đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt) để thống nhất xác định chi phí cho quy hoạch vùng sau khi ban hành Thông tư.
Đối với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia là những đối tượng quy hoạch mới. Vì vậy, khi xác định chi phí các loại quy hoạch trên cần dựa vào điều khoản tham chiếu (TOR). Khi đó các nội dung công việc sẽ được nghiên cứu chi tiết, việc tính toán chi phí sẽ có cơ sở hơn và chính xác hơn.
Đối với quy hoạch ngành quốc gia, được xây dựng trên quan điểm kế thừa và đổi mới hệ thống quy hoạch ngành trước đây, tích hợp các ngành, vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét việc tính chi phí quy hoạch ngành kế thừa cơ sở tính trước đây của từng ngành đã được ban hành và có sự tương quan của các ngành trong hệ thống quy hoạch.
Đối với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh: Yếu tố quy mô dân số sẽ có tác động nhiều hơn đến các hoạt động quy hoạch và việc tính chi phí so với các yếu tố khác. Vì vậy khi tính chi phí nên xem xét tính trọng số cao hơn đối với yếu tố quy mô dân số. Bên cạnh đó, nên bổ sung các yếu tố môi trường, rủi ro thiên tai... trong tính chi phí quy hoạch vì Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nhiều của biến đổi khí hậu và thường xuyên chịu thiên tai.
Việc tính toán quy hoạch tỉnh với giả thiết tính cho 63 tỉnh thành là chưa thực sự phù hợp. Vì chỉ có 58 tỉnh là đối tượng lập quy hoạch tỉnh, còn lại 05 thành phố loại đặc biệt và loại I trực thuộc Trung ương là đô thị đã được điều chỉnh tại Luật Quy hoạch đô thị.
Trong hướng dẫn lập quy hoạch tỉnh, hợp phần quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn (bao gồm cả các nội dung khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao; khu bảo tồn, khu vực cần được bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh...) có vai trò dẫn dắt để nhận biết các nhu cầu ngành, từ đó để bố trí, cân đối phân bổ không gian, đất đai cho từng lĩnh vực. Nhiệm vụ của hợp phần đô thị và nông thôn là rất phức tạp, do vậy phương pháp tính theo phân bổ đều chi phí cho các hợp phần là chưa hợp lý.
Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định phù hợp hơn việc tính chi phí cho các hoạt động trực tiếp khi quy đổi về mức lương chuyên gia tư vấn trong nước theo quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Vì trong thực tế thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch có sự tham gia của nhiều đối tượng nhân công với năng lực, trình độ chuyên môn và sự phân chia công việc khác nhau.
Số lượng chuyên gia cho từng công việc theo từng quy hoạch cần hướng dẫn cụ thể theo hướng mỗi việc cần bao nhiêu chuyên gia CG1, bao nhiêu chuyên gia CG2, CG3, CG4... Việc quy định theo như Dự thảo Thông tư có thể thực hiện nhiều cách tính dẫn đến kết quả khác nhau, ví dụ như: việc tính chi phí cho thu thập thông tin dữ liệu ban đầu phục vụ lập nhiệm vụ quy hoạch tổng thể quốc gia quy định tại nội dung số 1, mục I, phần A, Phụ lục II của Dự thảo Thông tư, được quy đổi thành 62 ngày công với hạng chuyên gia là CG1, CG2, CG3, CG4 chưa rõ ràng dẫn đến nhiều kết quả khác nhau gây khó khăn cho việc giám sát, kiểm tra.
Bên cạnh đó, đặc thù của công tác quy hoạch là nghiên cứu mang tính tổng thể nên việc tính chi phí nhân công cho từng nội dung nhiệm vụ quá chi tiết sẽ không phát huy được tính chủ động, kiến thức và kinh nghiệm của chuyên gia. Việc tính toán chi phí nên dựa trên nguyên tắc đánh giá được hoạt động, quy trình và chất lượng sản phẩm quy hoạch.
Nghiên cứu, bổ sung quy định tính chi phí đối với trường hợp thuê tư vấn nước ngoài, thuê chuyên gia nước ngoài tham gia thực hiện các hoạt động quy hoạch.
Bổ sung quy định về cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt đề cương, nhiệm vụ và dự toán đối với các loại hình quy hoạch được quy định trong Dự thảo Thông tư.
Đối với chi phí cho nội dung đánh giá tác động môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch nên giao phương án giao Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất có sự tham khảo của các Bộ, ngành có liên quan.
Cân nhắc quy định định mức chi phí cho từng hợp phần quy hoạch bằng 5% tổng chi phí trực tiếp lập quy hoạch ngành quốc gia quy định tại khoản 2 Điều 11 Dự thảo Thông tư. Vì các hợp phần khác nhau sẽ có các nhóm công việc khác nhau do đó chi phí thực hiện cũng sẽ khác nhau.
Theo Đoan Trang/www.baoxaydung.com.vn