Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết công nghệ số có thể giải quyết được hầu hết những vấn đề mà các thành phố đang đối mặt, địa phương nên chọn những vấn đề nổi cộm nhất để triển khai thực hiện.
Dùng công nghệ số để giải các bài toán khó
Trả lời câu hỏi “Xây dựng thành phố thông minh bắt đầu từ đâu và như thế nào”? tại diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN 2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Các thành phố đang thực sự có nhiều vấn đề cần giải quyết nhưng chúng khác nhau.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN 2020.
Bộ TT&TT đưa ra một khung tham chiếu ICT cho thành phố thông minh, các địa phương phải lựa chọn vấn đề và mức độ ưu tiên để thực hiện. “Có thể là ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự, y tế hoặc giáo dục... Hãy có niềm tin rằng công nghệ nói chung và công nghệ số nói riêng có thể giải quyết được hầu hết vấn đề mà chúng ta đang đối mặt. Cho nên hãy chọn vấn đề khó nhất để làm”, người đứng đầu ngành TT&TT nói.
Nhiều địa phương như Huế, TP.HCM và Bắc Ninh đang chọn đúng các vấn đề lớn nhất và giải quyết bằng ứng dụng công nghệ mới.
Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho hay trong thời gian tới, Hà Nội ưu tiên tập trung vào hai vấn đề lớn là phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh (chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông thông minh…) và xây dựng cư dân thông minh.
Để làm được hai điều này, trước tiên Hà Nội sẽ hình thành Trung tâm điều hành thông minh trong đó có Trung tâm giám sát bảo mật và an toàn thông tin; Trung tâm hỗ trợ cán bộ sử dụng CNTT; Trung tâm quản lý thông tin báo chí và TT&TT; Trung tâm giám sát điều hành giao thông và phòng chống tội phạm công cộng; Trung tâm ấn định dữ liệu...
Hà Nội lựa chọn hai lĩnh vực là giao thông và du lịch để triển khai trước. Cụ thể, sẽ khởi động trung tâm giao thông thông minh tích hợp, bao gồm hệ thống giám sát xử lý an toàn giao thông bằng hình ảnh, phần mềm giám sát an ninh công cộng, hệ thống điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh, biển báo giao thông điện tử, hệ thống phần mềm giám sát trung tâm điều hành giao thông, hệ thống phần mềm quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng, hệ thống vé điện tử thông minh xe buýt, hệ thống thu phí điều tiết hạn chế các phương tiện cá nhân.
Còn ở lĩnh vực du lịch, Hà Nội sẽ xây dựng Cổng thông tin du lịch ứng dụng trên điện thoại di động; phần mềm quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Đồng thời, triển khai theo yêu cầu thực tế những nội dung bản đồ du lịch Hà Nội, hạ tầng tích hợp dữ liệu du lịch thành phố.
Theo Phó Chủ tịch TP.HCM Dương Anh Đức: thành phố xác định xây dựng đô thị thông minh như là một giải pháp để thúc đẩy tốc độ phát triển và tạo ra môi trường tốt hơn cho người dân. TP.HCM đã triển khai các ứng dụng tiện ích phục vụ cho người dân trong giao thông, y tế, giáo dục, chống ngập… góp phần nâng cao chất lượng sống và làm việc.
TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai đề án đô thị thông minh giai đoạn 2 đồng bộ với phát triển kinh tế số và xã hội số. Đưa vào vận hành và khai thác hiệu quả kho dữ liệu dùng chung. Đầu tư vào trung tâm điều hành thông minh và trung tâm dự báo kinh tế - xã hội. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số dữ liệu toàn thành phố trước 2025. Sử dụng big data để hiện đại hóa, giảm chi phí và tăng chất lượng và khả năng dự báo ở các lĩnh vực trọng yếu. Ứng dụng AI vào triển khai đô thị thông minh…
"Các địa phương chỉ cần là người đặt hàng thông minh"
Giải đáp về "nút thắt" nhân lực chất lượng cao cho đô thị thông minh ở các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc chính quyền địa phương có đủ nhân lực chuyên môn để triển khai đô thị thông minh hay không chủ yếu phụ thuộc vào cách tiếp cận vấn đề.
Ông Trương Gia Bình - đại diện cho khối doanh nghiệp tham gia tại Diễn đàn
Nếu địa phương chọn cách tự làm bằng nguồn nhân lực của mình thì phải tuyển rất nhiều chuyên gia, đây là vấn đề khó giải quyết. Các địa phương nên đặt hàng doanh nghiệp. Như vậy, Chính phủ sẽ có nhiều sản phẩm tốt, giá cả phù hợp và người dân cũng được hưởng lợi. Chính quyền địa phương cần tập trung tìm ra đúng vấn đề, đặt ra mục tiêu, yêu cầu và thuê doanh nghiệp làm. “Chính quyền địa phương chỉ cần là người đặt hàng thông minh và thay đổi thế chế để chấp nhận mô hình mới của đô thị thông minh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về phía doanh nghiệp, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho rằng, thành phố thông minh là cơ hội cho mọi thành phần trong xã hội. Doanh nghiệp sẽ có môi trường thuận lợi để chuyển đổi số, từ đó phát triển bền vững; nhà nước có phương thức quản lý hiệu quả; người dân có môi trường sống và làm việc tốt nhất. Song hành cùng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, xây dựng đô thị thông minh phải lấy lợi ích của người dân và phát triển bền vững làm trung tâm. Không có ai đứng ngoài trong cuộc đua này.
Lãnh đạo FPT nhận định, xây dựng và triển khai các chương trình chuyển đổi số đô thị và thành phố thông minh không thể bắt đầu từ quy hoạch đô thị mà phải từ chiến lược phát triển kinh tế xã hội, bao gồm 4 khía cạnh: hoạch định chiến lược, xây dựng cấu trúc thể chế, chính sách và quan trọng nhất là phát triển nền tảng công nghệ. Trong đó, một nền tảng công nghệ số với cốt lõi là cấu trúc dữ liệu mở, liên thông và xử lý theo thời gian thực sẽ đóng vai trò trung tâm điều hành, là công cụ phân tích cho chiến lược chuyển đổi số đô thị và xây dựng thành phố thông minh bền vững.
Cùng với Chính phủ và các bộ ban ngành, các doanh nghiệp tư nhân, cộng đồng, công ty khởi nghiệp và người dân có thể cùng hợp tác bằng cách đóng góp dữ liệu, áp dụng và đổi mới những giải pháp thành phố thông minh để tạo ra nhiều dịch vụ, giá trị gia tăng mới cho cộng đồng.
Theo Duy Vũ/Vietnamnet.vn
Link gốc: https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/xay-dung-do-thi-thong-minh-dung-cong-nghe-so-de-giai-cac-bai-toan-kho-683604.html