www.xaydungmk.com     |     Hotline: 024.632.88885 - 0259 650 9999 - Hotline: 0908 85 67 67    |    Email: contact@xaydungmk.com

  • Chọn ngôn ngữ
mk central city
Xây dựng MK
Thường trực HDND
khu đô thị phủ hà
Ngay Doanh Nhân 13/10
banner6
banner3
banner1
banner 4
banner 5

Thêm 10 cây cầu bắc qua sông Hồng: Nâng tầm vị thế cho Thủ đô

Đăng lúc 05-10-2021

Hà Nội sẽ xây dựng mới 10 cây cầu qua sông Hồng và 4 cây cầu qua sông Đuống. Theo các chuyên gia, việc xây mới những cây cầu này không chỉ giúp giảm bớt "gánh nặng" giao thông nội đô mà còn mang ý nghĩa lớn về văn hoá, lịch sử để quảng bá tới bạn bè quốc tế.
 
 

Giảm gánh nặng cho giao thông nội đô

 
Công ty có trụ sở tại Cầu Giấy bắt đầu làm việc lúc 8h, nhưng sáng nào chị Nguyễn Ngọc Anh (Nguyễn Văn Cừ, Long Biên) cũng phải đi làm từ 6h30 để tránh tắc đường. Có những ngày, Ngọc Anh chỉ đi muộn hơn thường lệ 5-7 phút là bị cuốn vào "vòng xoáy" tắc đường.
 
 
Cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng. Ảnh: Tuấn Anh
 
"Mang tiếng nhà ở nội đô, công ty ngay bên Cầu Giấy nhưng hôm nào tôi cũng phải đi sớm cả tiếng rưỡi để tránh tắc đường. Vào giờ cao điểm cầu Chương Dương hay cầu Long Biên đều ùn ứ, nhích từng bước một. Vào những ngày trời mưa thì đúng là kinh hoàng", chị Ngọc Anh cho biết.
 
Anh Mạnh Quân (Ngọc Thuỵ, Long Biên) thường phải dậy sớm để đưa con đi học sau đó đến cơ quan làm việc. "Ở cơ quan tôi được mệnh danh là "con ong chăm chỉ" vì thường đến sớm nhất. Nhưng thực tế mình phải đi rất sớm để tránh tắc đường, chứ đi muộn chút là phải "lê" ở đường khoảng 2 tiếng", anh Mạnh Quân chia sẻ.
 
Câu chuyện "Hà Nội không vội được đâu" dường như vẫn là "nỗi ám ảnh" với người dân Thủ đô sau bao năm. Vậy nên, khi biết được thông tin Hà Nội sẽ xây dựng mới 14 cầu qua sông Hồng và sông Đuống theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ai nấy cũng đều vui mừng.
 
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong lịch sử phát triển Hà nội chủ yếu phát triển ở phía nam sông Hồng. Từ sau quy hoạch năm 1998, Hà Nội bắt đầu phát triển mạnh sang phía bắc sông Hồng. Dấu mốc thể hiện điều này là việc hình thành quận Long Biên, nội đô của Hà Nội lần đầu tiên “vượt sông Hồng” vào năm 2000.
 
Cùng với việc mở rộng nội đô, việc xây dựng cầu sẽ giúp giảm áp lực giao thông, giảm dân số trong nội đô lịch sử, khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, chuyển đổi cấu trúc cơ cấu kinh tế (làng nghề, công nghiệp,…). Những cây cầu này sẽ giúp liên kết mạng đường giao thông với cả khu vực phía bắc.
 
Thêm vào đó, khi hình thành được những cây cầu mới thì không chỉ những khu vực tiệm cận với cây cầu mà ngay cả những khu vực xung quanh cây cầu cũng sẽ có những thay đổi về giá trị về mặt đất đai.
 
"Như khi làm cầu Nhật Tân, giá đất khu vực Đông Anh rộ lên. Khi làm cầu Thanh Trì giá đất ở khu vực Thanh Trì và Gia Lâm rộ lên rất cao. Từ đó có thể thấy cầu sẽ làm phát huy giá trị của đất đai. Thế nhưng một yếu tố cơ bản là phải căn cứ vào quy hoạch rằng quanh khu vực cầu sẽ làm gì, sẽ có khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ, du lịch,… mới tác động mạnh đến giá đất", TS.KTS Nghiêm cho biết thêm.
 
 
Cầu Thăng Long khánh thành vào năm 1985, tính đến nay đã hơn 35 năm khai thác sử dụng.
 

"Linh hồn" của mỗi cây cầu

 
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong sự phát triển của tất cả các đô thị nói chung, mỗi cây cầu đều mang đậm dấu ấn về khoa học, kĩ thuật, văn hóa của một thời đại nhất định. "Có thể nói cầu không chỉ là đảm bảo mục tiêu giao thông, mà cầu là biểu tượng văn hoá của một giai đoạn nhất định, mỗi cây cầu sẽ phải mang cho mình một yếu tố đặc thù riêng", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm nói.
 
Tại sông Seine ở Paris (Pháp), mỗi cây cầu có một hình dáng khác nhau và mang một ý nghĩa văn hoá khác nhau. Tương tự, tại Seoul Hàn Quốc cũng vậy. Tại Hà Nội, 6 cây cầu bắc qua sông Hồng hiện tại như: Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Nhật Tân cũng mang một ý nghĩa nhất định.
 
Cầu Long Biên được gọi là con rồng thép, mang ý nghĩa thành phố vì hoà bình. Và hiện tại cầu Long Biên là 1 trong 4 cây cầu thép còn lại trên thế giới. Cầu Thăng Long là biểu tượng của chủ nghĩa xã hội. Cầu Chương Dương là cây cầu Việt Nam tự lực thiết kế, tự tay làm ra. Cây cầu này phát huy nội lực của Hà Nội.
 
Tiếp nữa là cầu Vĩnh Tuy, cầu được Việt Nam thiết kế, tự làm để giảm áp lực cho giao thông của Hà Nội. Cầu Thanh Trì được xây dựng trong giai đoạn chúng ta mở rộng hợp tác với bên ngoài. Cây cầu này mang dấu ấn hội nhập quốc tế của Hà Nội. Cầu Nhật Tân được xem là biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô.
 
"Vậy nên cần biết phát huy đặc trưng này của mỗi cây cầu để phát huy được giá trị văn hoá, quảng bá đến du khách. Hi vọng những cây cầu sắp tới sẽ mang biểu trưng văn hoá nhất định của Hà Nội. Cầu không chỉ là giao thông mà cầu còn mang một biểu tượng về văn hoá", TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết.
 
" Theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, Hà Nội sẽ xây dựng mới 14 cầu qua sông Hồng và sông Đuống. Trong đó, 10 cây cầu lớn vượt sông Hồng gồm: Cầu Việt Trì - Ba Vì, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Tứ Liên, cầu/hầm Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), cầu Ngọc Hồi, cầu Mễ Sở và cầu Phú Xuyên.
 
Việc xây dựng các cây cầu bắc qua sông Hồng, sông Đuống được đánh giá ngoài việc khép kín và tạo sự liên kết các tuyến đường vành đai 3, 3,5 và 4 còn giữ vai trò quan trọng trong việc mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng. "
 
 
Theo HOÀI ANH/Laodong.vn
 
Link gốc: https://laodong.vn/giao-thong/them-10-cay-cau-bac-qua-song-hong-nang-tam-vi-the-cho-thu-do-960007.ldo
Tải tài liệu