www.xaydungmk.com     |     Hotline: 024.632.88885 - 0259 650 9999 - Hotline: 0908 85 67 67    |    Email: contact@xaydungmk.com

  • Chọn ngôn ngữ
mk central city
Xây dựng MK
Thường trực HDND
khu đô thị phủ hà
Ngay Doanh Nhân 13/10
banner6
banner3
banner1
banner 4
banner 5

Thị trường bất động sản đang có nhiều lực đẩy hỗ trợ sự tăng trưởng

Đăng lúc 22-04-2020

Thị trường bất động sản năm 2020 tuy đang đối mặt với nhiều khó khăn nhưng được dự báo sẽ hồi phục tốt sau dịch bệnh nhờ nhận được nhiều biện pháp hỗ trợ từ chính phủ.

Theo đánh giá của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường quý 1/2020 vô cùng trầm lắng so với cùng kỳ hàng năm. Lượng nguồn cung, giao dịch, tỷ lệ hấp thụ ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

 
Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho biết, bước sang nửa cuối 2019, đầu năm 2020, thị trường đã gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác. Nhiều doanh nghiệp lớn đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là khi mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài, việc triển khai dự án mới gặp nhiều khó khăn. Tính riêng 3 tháng đầu năm, dưới tác động của dịch bệnh, hầu hết các hoạt động trên thị trường BĐS đình trệ, giao dịch nhà đất rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Vướng mắc trong việc phát triển dự án mới khiến nguồn cung ra thị trường tiếp tục khan hiếm. Cùng với đó, thông tư số 22/2019/TT-NHNN có hiệu lực kể từ 1/1 đã kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực BĐS theo hướng thắt chặt, giảm hạn mức cho vay đối với các dự án ở phân khúc cao cấp và một số chủ đầu tư có nhu cầu vay mức lớn cho nhiều dự án khiến nguồn tiền đổ vào BĐS ngày càng khó khăn.
 
Trước thực tế trên, Chính phủ đã có những động thái thiết thực nhằm hỗ trợ ngành BĐS. Cụ thể, một loạt các chính sách ưu đãi được ban hành bao gồm giảm thuế, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành thông tư quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch bệnh. Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo gia hạn nộp thuế, miễn thuế đối với doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền về thuế và chi ngân sách nhà nước để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh.
 
Ngoài ra, Chính phủ ban hành Nghị định số 25/2020/NĐ-CP nhằm tháo gỡ một phần các vướng mắc của Luật trong thủ tục dành cho phát triển dự án BĐS tại các địa phương. Theo đó, việc giao đất cho nhà đầu tư trúng thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất khi thực hiện dự án. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chính thức có văn bản hướng dẫn về việc sử dụng đất và cấp sổ cho công trình xây dựng không phải nhà ở như condotel, officetel, hometel. 
 
Những tòa nhà cao tầng màu xanh, xám nằm sát nhau, xung quanh có nhiều cây xanh, xa xa là khu dân cư
 
Chính sách kịp thời của Chính phủ sẽ giúp thị trường BĐS nhanh chóng hồi phục khi dịch Covid-19 kết thúc. Ảnh minh họa
 
Đặc biệt, thông tin từ Bộ tài chính cho biết sẽ bổ sung ngành nghề kinh doanh BĐS vào các ngành nghề được xem xét hỗ trợ từ gói tín dụng 250.000 tỷ đồng (tương đương 10,6 tỷ đô la Mỹ) của chính phủ. Đây được xem là cơ hội để thị trường BĐS giảm bớt các khó khăn trước mắt. TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhận định, đây là một động thái rất tích cực của Nhà nước, các doanh nghiệp BĐS sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ gói kích thích kinh tế này. 
 
Mới đây, bên cạnh gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư cân đối thêm 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và bổ sung 2.000 tỉ đồng cho 4 ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội. Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định số 100 để trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý 4/2020 theo trình tự thủ tục rút gọn; Đề xuất đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp; Phối hợp với các địa phương, đặc biệt là TP. Hà Nội và TP.HCM tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, nhất là công nhân. 
 
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đánh giá gói tín dụng này dành cho cả chủ đầu tư và người dân vay để xây dựng nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở xã hội nên sẽ tạo thêm nguồn cung căn hộ. Khi nguồn cung nhà ở xã hội tăng lên, các chủ đầu tư dự án nhà thương mại sẽ phải tính toán lại giá bán để cạnh tranh. 
 
“Dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT 5%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 10% và được vay vốn ưu đãi về lãi suất nên giá sẽ rẻ hơn nhà thương mại. Như tại TP.HCM, giá nhà ở xã hội đa số là khoảng 15 triệu đồng/m2, trong khi hiện nay giá nhà thương mại bình quân khoảng 40 triệu đồng/m2. Khi giải quyết nhu cầu thật thì người dân sẽ mua được nhà ở xã hội với giá rẻ hơn rất nhiều so với mua nhà thương mại. Khi đó các chủ đầu tư sẽ mất một nguồn nhu cầu, phải cơ cấu giảm giá để cạnh tranh”, ông Châu tính toán.
 
 
( Phương Uyên - Theo  Thanhnienviet )
Tải tài liệu