(Xây dựng) – Ngày 18/4, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã chủ trị Hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận TP Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I. Hội đồng thẩm định đã nhất trí chấm Đề án đạt 90,47 điểm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã chủ trì Hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận TP Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I.
TP Hải Dương có vị trí quan trọng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và kề sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ.
Đây là nơi có lợi thế vô cùng lớn trong việc giao lưu, trao đổi thương mại với Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên.
Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã tập trung khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội; mở rộng quy mô, chỉnh trang quản lý đô thị, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng xây dựng văn hoá đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Việc xây dựng và phát triển TP Hải Dương trở thành đô thị loại I cũng phù hợp với Chương trình phát triển đô thị quốc gia, Chương trình và quy hoạch của tỉnh Hải Dương; phù hợp với tình hình phát triển đô thị sau 10 năm dựng và phát triển từ đô thị loại II (2009). Trong đó, TP Hải Dương được xác định sẽ trở thành đô thị loại I trước năm 2020.
Bản đồ hiện trạng xây dựng đô thị và vị trí các dự án đang triển khai thực hiện tại thành phố Hải Dương.
Theo điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt ngày 14/7/2017, phạm vi quy hoạch chung TP Hải Dương sẽ được mở rộng thêm 8 xã Minh Tân, Đồng Lạc (huyện Nam Sách); xã Ngọc Sơn (huyện Tứ Kỳ); xã Tiền Tiến, Quyết Thắng (huyện Thanh Hà); xã Gia Xuyên, Liên Hồng, Thống Nhất (huyện Gia Lộc), quy mô diện tích đạt 13.070,78 ha.
Nhưng để đảm bảo sự cân bằng, ổn định cho các tiêu chí quy mô diện tích tự nhiên và dân số của 2 huyện Nam Sách và Gia Lộc, phạm vi quy hoạch chung TP Hải Dương sẽ chỉ mở rộng thêm 5 xã ngoại thị là Ngọc Sơn (huyện Tứ Kỳ); Tiền Tiến, Quyết Thắng (huyện Thanh Hà) và Gia Xuyên, Liên Hồng (huyện Gia Lộc). Ngoài ra, khu vực nội thị bao gồm 17 phường và 4 xã có tỷ lệ đô thị hóa cao.
Trong Đề án đề nghị công nhận là đô thị loại I, TP Hải Dương được xác định là trung tâm hành chính, văn hóa, du lịch, giáo dục, khoa học kỹ thuật, dịch vụ của tỉnh Hải Dương và cũng là trung tâm tăng trưởng kinh tế, đô thị có vai trò quan trọng thúc phát triển kinh tế, xã hội đối với tỉnh, vùng tỉnh, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Đồng bằng sông Hồng, với các ngành chủ đạo là công nghiệp, dịch vụ, thương mại; du lịch, nghỉ dưỡng trọng tâm ven sông Thái Bình, sông Sật...
Trong giai đoạn 2015 – 2017, thành phố đã tăng trưởng kinh tế trung bình 13,52%. Năm 2017, TP Hải Dương đã cân đối dư ngân sách với tổng thu đạt 1.355,07 tỷ đồng và tổng chi đạt 1.347,22 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2017, thu nhập bình quân đầu người ở thành phố đạt 77,66 triệu đồng/người, bằng 1,98 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nuớc. Tỷ lệ hộ nghèo toàn đô thị năm 2017 giảm xuống còn 3,55%.
Trong những năm qua, TP Hải Dương cũng đã hoàn thành mục tiêu tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị năm 2017 đạt 95,8%; riêng khu vực nội thị là 98,4%.
Năm 2017, tỷ lệ tăng dân số đạt 2,51% với tỷ lệ tăng dân số cơ học 2,09%, chủ yếu do mở rộng các trường đại học, bệnh viện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Dân số toàn đô thị năm 2017 đạt 507.469 người, bao gồm 449.515 dân số nội thị. Trong đó, mật độ dân số toàn đô thị đạt 4,563 người/km2 và mật độ dân số khu vực nội thị là 11.816 người/km2. Diện tích sàn nhà ở bình quân là 29,33m3.
Sau khi áp dụng phương pháp tính điểm 5 tiêu chí và 59 tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13, UBND TP Hải Dương đã chấm Đề án đạt tiêu chí đô thị loại I với điểm số 91,89, bao gồm 38 tiêu chuẩn bằng hoặc vượt mức điểm tối đa, 19 tiêu chuẩn đạt điểm trung bình và 2 tiêu chuẩn chưa đạt là mật độ đường trong khu vực nội thành, nội thị và diện tích đất cây xanh toàn đô thị.
Sơ đồ định hướng phát triển không gian của TP Hải Dương.
Theo đánh giá của UBND TP Hải Dương, việc công nhận TP Hải Dương đạt tiêu chí đô thị loại I sẽ tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hoá và phát triển công nghiệp các vùng lân cận trong tỉnh, đáp ứng vai trò là đô thị lớn trung tâm cấp vùng của vùng Thủ đô Hà Nội; là bước đột phá quan trọng tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh về mọi mặt, xứng đáng là thành phố có vai trò động lực phát triển đối với cả khu vực và vùng đồng bằng Bắc Bộ; trở thành đầu tàu kéo theo sự phát triển mọi mặt của cả khu vực và các đô thị lân cận.
TP Hải Dương cần cải thiện những vấn đề nào?
Về cơ bản, các thành viên trong Hội đồng thẩm định đều đánh giá Đề án phù hợp với các chương trình, kế hoạch phát triển đô thị quốc gia và quy hoạch của tỉnh Hải Dương, đáp ứng đầy đủ tiêu chí của đô thị loại I.
Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định cũng đóng góp một số ý kiến để UBND thành phố Hải Dương và cơ quan tư vấn hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, Vụ Chính quyền địa phương thuộc Bộ Nội vụ đề nghị UBND TP Hải Dương cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở rộng thành phố, đặc biệt là tăng cường năng lực của bộ máy quản lý; tăng cường xử lý các vấn đề do việc mở rộng đô thị mang lại và tập trung xử lý 2 tiêu chuẩn chưa đạt.
Vụ Quy hoạch- Kiến trúc thuộc Bộ Xây dựng kiến nghị địa phương sớm triển khai việc quy hoạch phân khu đô thị, quan tâm xây dựng các không gian công cộng như quảng trường, trung tâm thể thao công cộng... và bảo tồn, trùng tu các công trình văn hóa, di tích lịch sử...
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch muốn thành phố cập nhật những nội dung văn hóa thể thao vào chương trình phát triển để nâng cao mức hưởng thụ và đời sống tinh thần của nhân dân.
Vụ Pháp luật thuộc Văn phòng Quốc hội góp ý một số vấn đề như: Đề án chưa nêu ra Nghị định 30/2008/NĐ-CP về việc mở rộng TP Hải Dương; thành phố cần giải trình được nội dung cơ sở lưu trú và quy hoạch đô thị không thể chỉ có khu vực nội thị, vì điều này sẽ phá vỡ quy hoạch.
Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cũng đề nghị TP Hải Hương làm rõ quy hoạch nội thành và ngoại thành; quan tâm hơn đối với việc mở rộng các dự án đô thị, xây dựng các trung tâm văn hóa thể thao, bảo tồn các công trình văn hóa, lịch sử và xây dựng cảnh quan chung của thành phố.
Cục Hạ tầng kỹ thuật Bộ Xây dựng muốn thành phố rà soát lại số liệu xử lý nước thải và xây dựng chi tiết kế hoạch giải quyết vấn đề cây xanh đô thị. Cục phát triển đô thị đánh giá dân số toàn đô thị Hải Dương khá thấp, sự phát triển giữa 2 khu vực nội thị - ngoại thị có sự chênh lệch khá lớn và thành phố cũng thiếu điểm nhấn của đô thị loại I như quảng trường...
Ông Nguyễn Anh Cương - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Anh Cương cam kết UBND tỉnh và thành phố sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp và chỉnh sửa để sớm hoàn thiện các tiêu chuẩn còn chưa đạt.
Thay mặt Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh đã tổng kết các ý kiến phản biện và công bố Đề án đề nghị công nhận thành phố Hải Dương đạt tiêu chí đô thị loại I với điểm số 90,47.
Hội đồng thẩm định đánh giá cao một số hoạt động của thành phố Hải Dương trong những năm qua như xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng trưởng kinh tế cao đặc biệt là chương trình cấp thoát nước.
Hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận TP Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I diễn ra tại Bộ Xây dựng vào ngày 18/4.
Tuy nhiên, Hội đồng lại rất băn khoăn về việc thành phố không đạt tiêu chuẩn mật độ đường trong khu vực nội thị và đất cây xanh toàn đô thị, dù áp lực và mật độ đô thị ở địa phương không quá cao.
Thứ trưởng cũng đề nghị Cục phát triển đô thị làm việc với thành phố Hải Dương và đơn vị tư vấn để thống nhất hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Hữu Mạnh/Baoxaydung.com.vn