Báo chí góp phần xây dựng, quảng bá, định vị hình ảnh, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp, hấp dẫn.
Du lịch được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với tỷ lệ đóng góp trực tiếp vào GDP năm 2019 đạt 9,2%; hơn 40.000 doanh nghiệp du lịch tạo ra khoảng 4,5 triệu việc làm trực tiếp, hàng triệu lao động phụ thuộc và liên quan khác. Trong thời gian phòng chống dịch Covid-19, du lịch là ngành chịu tác động tiêu cực, nặng nề nhất.
Hình ảnh quảng bá du lịch Hà Nội trên kênh CNN.
Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp du lịch ghi nhận, báo chí đã song hành, nêu bật vị trí, vai trò của du lịch trong việc thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; giúp du khách thoải mái tâm lý để đi du lịch ngay khi hết giãn cách xã hội; thúc đẩy cơ chế chính sách để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của các vùng miền địa phương, tiếp sức cho doanh nghiệp;… Từ đó, góp phần xây dựng, quảng bá, định vị hình ảnh, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tươi đẹp, hấp dẫn và thương hiệu du lịch Việt Nam là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng”. Thương hiệu đó đã và đang trở thành “vàng ròng” của quốc gia.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Hanoitourist:
Công đầu thuộc về báo chí
Sau giãn cách xã hội do dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý ngành kinh tế xanh đã sẵn sàng chuẩn bị tâm thế, kế hoạch hành động để khôi phục hoạt động du lịch trở lại. Ai cũng hy vọng ngành công nghiệp không khói sớm trở lại đà phát triển như những năm vừa qua. Muốn vậy, cần sự chung tay của tất cả các cấp, ngành, đặc biệt là sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí.
Thời gian qua, báo chí đã tác động tới nhiều đối tượng, vấn đề khác nhau, giúp du lịch nhanh chóng phục hồi. Đối với khách du lịch, báo chí giúp tâm lý du khách an tâm, từ e dè chuyển sang đi du lịch. Đối với các doanh nghiệp, báo chí đã thông tin những khó khăn, vướng mắc, góp phần làm thay đổi chính sách. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí có tác động rất lớn đối với việc đưa ra những chính sách kịp thời, phù hợp và những chính sách đó có tác dụng ngay lập tức để khôi phục hoạt động du lịch. Và như chúng ta đã thấy, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có thể mở cửa du lịch nội địa với tốc độ phục hồi rất tốt. Đây là lợi thế cạnh tranh của chúng ta khi tới đây mở cửa các đường bay quốc tế, mà trong đó, các cơ quan báo chí, truyền thông góp công đầu.
Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours (HanoiRedtours):
Có những việc, chỉ báo chí mới làm được
Khi dịch Covid-19 khiến ngành du lịch bị ngừng trệ, rồi có cơ hội phục hồi, cần sự tham gia của rất nhiều bên, trong đó vai trò của báo chí, truyền thông rất quan trọng. Bởi, có những yếu tố chỉ báo chí mới có thể làm được. Thứ nhất, báo chí chứng minh cho du khách biết môi trường du lịch của chúng ta đã an toàn. Thứ hai, báo chí góp phần kích cầu du lịch nội địa hữu hiệu khi truyền đi thông tin những sản phẩm kích cầu hấp dẫn về giá, mới lạ, có nhiều giá trị gia tăng… Bản thân các doanh nghiệp du lịch, lữ hành đưa ra thông tin có thể du khách còn e dè. Nhưng với sự tham gia của các cơ quan báo chí, công chúng sẽ yên tâm, tin tưởng hơn và thấy rằng các sản phẩm kích cầu hoàn toàn xứng đáng để du khách xách ba lô đi du lịch chứ không phải mang tính chất chộp giật của một vài doanh nghiệp.
Thứ ba, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phát động phong trào người “Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, “đi du lịch Việt Nam là yêu nước”. Với sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, du khách thấy được một Việt Nam tươi đẹp, nhiều điểm hấp dẫn có thể cạnh tranh với các điểm đến nước ngoài và quay lại du lịch Việt Nam. Họ cũng hiểu rằng, đây là thời điểm vàng để đi du lịch vì có nhiều sản phẩm ưu đãi, mật độ không đông nên được phục vụ tốt và có thể thoải mái khám phá các điểm du lịch.
Báo Đầu tư có nhiều bài phân tích chuyên sâu về du lịch
Trong đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, các cơ quan báo chí đã làm rất tốt nhiệm vụ, chức năng của mình. Đầu tiên là tuyên truyền cho toàn xã hội cùng phòng, chống dịch. Nhờ đó, tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động, kinh tế, xã hội và đặc biệt là du lịch nội địa mở cửa trở lại. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó chủ tịch CLB Du lịch Thủ đô, CEO AZA Travel.
Đối với ngành du lịch, các cơ quan báo chí đồng hành rất sát từ những ngày đầu tiên có dịch Covid-19 với những ý kiến, đánh giá của các chuyên gia về việc ứng phó như thế nào, rồi phải hy sinh hoạt động du lịch để chống dịch tốt... Khi đã chống dịch tốt, báo chí tiếp tục đưa tin tuyên truyền cho các chương trình kích cầu du lịch nội địa, “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Thực tế cho thấy, du lịch nội địa đang phục hồi rất tốt. Điều này cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch bớt khó khăn. Đặc biệt, các cơ quan báo chí cũng nêu những khó khăn của doanh nghiệp, những kiến nghị, đề xuất của các cơ quan quản lý ngành du lịch, giúp cất lên tiếng nói của ngành du lịch.
Riêng với báo Đầu tư là tờ báo có rất nhiều bài viết chuyên sâu của các chuyên gia, phỏng vấn các chuyên gia đầu ngành về các vấn đề lớn của ngành du lịch với tần suất dày đặc. Thực tế, những thông tin về tư vấn điểm đến, kinh nghiệm du lịch, tin tức du lịch, nhiều báo đã đăng tải nhưng những bài chuyên sâu chỉ báo đầu tư làm được. Trong trạng thái bình thường mới, những bài phân tích của các chuyên gia, doanh nghiệp đầu ngành rất cần thiết, hữu ích. Bởi trong bối cảnh bình thường mới, còn rất nhiều vấn đề chúng ta phải bàn, phải định hướng, phân tích kỹ lưỡng để đưa con tàu du lịch trở lại biển khơi.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, CEO Vân Hải Xanh Travel:
Báo chí là chân kiềng không thể thiếu
Báo chí; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam là 3 chân không thể thiếu để tạo chiếc kiềng vững chắc làm đòn bẩy cho du lịch phục hồi trở lại. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo và có kế hoạch kích cầu du lịch, chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã gắn kết các thành viên trong Hiệp hội và các địa phương, đơn vị có liên quan để xây dựng sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như đảm bảo chất lượng tour cho du khách.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, CEO Vân Hải Xanh Travel.
Vai trò còn lại và cũng là vai trò lớn nhất thuộc về các cơ quan báo chí, truyền thông để đưa những thông tin đến với khách hàng, cũng như chia sẻ thông tin cơ bản về dịch bệnh, sự an toàn của điểm đến, các tuyến điểm có chính sách giảm giá, kích cầu ra sao… Dù các doanh nghiệp, đơn vị có PR, quảng bá nhiều nhưng nếu không có sự chung tay của các cơ quan báo chí thì rất khó để phục hồi ngành du lịch, biến vẻ đẹp, sự an toàn trở thành vàng ròng quốc gia.
Ông Lương Duy Doanh, Trưởng Ban truyền thông Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội, Giám đốc Công ty FiveStar Travel:
Báo chí giúp định hướng thông tin cho du khách
Không phải chỉ trong và sau dịch Covid-19 mà từ trước đến nay, báo chí có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc thúc đẩy các hoạt động du lịch. Báo chí truyền thông cho những hình ảnh chân thực, sống động về điểm đến để du khách lựa chọn. Đặc biệt, trước, trong và sau dịch Covid-19, những thông tin về du lịch đa chiều nhưng rối như “ma trận”, báo chí chính thống có vai trò quan trọng trong việc định hướng thông tin chuẩn mực cho du khách về điểm đến, dịch vụ.
Ông Lương Duy Doanh, Trưởng Ban truyền thông Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội, Giám đốc Công ty FiveStar Travel.
Nếu không có sự định hướng đó, lỡ du khách gặp phải tour kém chất lượng, họ có thể quay lưng với du lịch nội địa. Lúc đó, chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” vốn là cơ hội rất tốt để quảng bá cho ngành kinh tế xanh của đất nước có thể gây hiệu ứng ngược, làm tổn hại giá trị, công sức của rất nhiều người. Do đó, báo chí chính thống luôn giữ vai trò vô cùng đặc biệt, quan trọng trong việc định hướng thị trường du lịch cũng như phát triển ngành kinh tế xanh.
( Nguồn Baodautu )